THÔNG BÁO

Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức tổng kết kết quả công tác lần thứ I năm 2017

Chiều ngày 20/9/2017, tại Trụ sở Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ I năm 2017 tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2017 và Kế hoạch công tác năm 2018. Tham dự buổi Lễ có ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động, đại diện Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và các đơn vị liên quan.


Tháng hành động về vệ sinh, an toàn lao động lần thứ I năm 2017 (gọi tắt là Tháng hành động ATVSLĐ) được Chính phủ phát động từ ngày 01 đến ngày 31/5/2017 tại Hà Nội với chủ đề "Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp" đã được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.

Theo số liệu báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong quý II năm 2017 đã xảy ra 1.169 vụ tai nạn lao động, trong đó có 171 người chết và 287 người bị thương nặng; 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đồng Nai, Yên Bái, Đà Nẵng, Yên Bái. 

Tuy nhiên, trong thời gian tổ chức Tháng hành động, các sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng đã giảm đáng kể. So sánh với cùng kỳ năm 2016, tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm cả về số vụ tai nạn lao động, số người chết và số người bị thương nặng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trong khu vực có quan hệ lao động, số vụ tai nạn lao động giảm 0,38%, tổng số nạn nhân giảm 1,6%, số người chết giảm 9,55%, số vụ có người chết giảm 3,7%, số người bị thương nặng giảm 16,97%, số vụ có từ 2 nạn nhân giảm 24,07%, đặc biệt trong quý II năm 2017, một số địa phương đã không để xảy ra tai nạn lao động như: Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi.

Theo báo cáo tại Lễ tổng kết, ngay sau khi Chính phủ phát động Tháng hành động ATVSLĐ hàng năm, Ban Chỉ đạo đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Tháng hành động tới các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về các nội dung như: xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức Tháng hành động hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tập trung các nội dung, giải pháp thực thi có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Về công tác tổ chức Lễ phát động, Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tháng hành động thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô. Lễ phát động đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Đào Ngọc Dung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH - Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động Trung ương, đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội cùng nhiều đồng chí Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cùng gần 1.000 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Lễ phát động Tháng hành động đã được Đài Truyền hình Hà Nội truyền hình trực tiếp và chuyển phát sóng nhiều lần trên các bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam và các đài truyền hình địa phương. Bên cạnh đó, thành viên Ban chỉ đạo đã tích cực tham dự và chỉ đạo các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ tại một số Bộ, ngành, địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Tháng hành động ATVSLĐ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt và tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trên cả nước. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tháng hành động, Bộ LĐ-TBXH đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình tổ chức Tháng hành động; tổ chứ 03 đợt thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật ATVSLĐ đối với 69 doanh nghiệp và công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan báo đài về chủ đề, nội dung của Tháng hành động; xây dựng và phát miễn phí gần 1.000 cuốn bản tin về An toàn, vệ sinh lao động đến các địa phương, doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan báo đài Trung ương, tạp chí Ngành phát hàng trăm tin bài, phóng sự phản ánh những vấn đề nổi cộm về tình hình thực tế tại cơ sở, doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ; Truyền hình Việt Nam đã đưa tin về Lễ phát động Tháng hành động và các hoạt động của Tháng hành động trên các bản tin thời sự VTV1 cùng ngày. 

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức Hội thảo quốc tế về ATVSLĐ với chủ đề "Triển khai hiệu quả Luật ATVSLĐ và chính sách bồi thường TNLĐ-BNN trong khu vực không có quan hệ lao động" với sự tham gia của các đại biểu quốc tế trong khối ASEAN, Hàn Quốc. Đồng thời, Bộ LĐ-TBXH cũng phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức trưng bày gian hàng triển lãm về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động với sự tham gia của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Trung tâm huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, Viện Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cùng một số doanh nghiệp.

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Ban chỉ đạo cũng gặp phải một số các khó khăn, tồn tại như: tại một số địa phương, công tác chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc chưa được thường xuyên, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trong khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động còn hạn chế, các hoạt động sau Tháng hành động chưa được duy trì thường xuyên, đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, công tác tổng kết, báo cái kết quả tổ chức Tháng hành động ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng báo cáo chưa cao, số liệu tổng hợp còn chung chung gây ảnh hưởng tới công tác tổng hợp số liệu báo cáo Chính phủ.

Tại Lễ tổng kết, các đại biểu đã cùng nhau bàn bạc, thảo luận, rút kinh nghiệm về Tháng hành động lần thứ I và phương hướng, kế hoạch tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ II năm 2018. Theo đó, Tháng hành động lần thứ II sẽ được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31/5/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tháng hành động sắp tới nhằm thông tin, tuyên truyền để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ, đẩy mạnh việc triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống. Ngoài ra, Tháng hành động 2018 còn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng và triển khai các chương trình hành động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc nhằm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ II đưa ra 3 chủ đề để xin ý kiến các đại biểu, đồng thời đưa ra kế hoạch tổ chức triển khai chi tiết để đảm bảo Tháng hành động năm 2018 có nội dung phong phú, thiết thực và thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người lao động. 

10 khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 bao gồm: 
1. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động lần thứ II năm 2018; 
2. Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động; 
3. Cải thiện điều kiện làm việc an toàn vì sức khỏe của người lao động; 
4. Chấp hành quy trình, biện pháp làm việc an toàn là nghĩa vụ của người lao động; 
5. Hãy sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo chất lượng để phòng ngừa tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; 
6. Cùng chung tay xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghệp tại nơi làm việc; 
7. An toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn; 
8. Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc;
9. Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là hạnh phúc của mỗi gia đình và người lao động; 
10. Phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong lao động, sản xuất là trách nhiệm của mỗi người. 
 

CỔNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 024 3938 8407 - Email: support@molisa.gov.vn


© Bản quyền thuộc về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội